Monday, February 21, 2011

Khói nhang: Mối nguy cho sức khỏe


Nhang đã gắn bó với người Việt như một ý nghĩa đặc biệt về mặt tâm linh. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Dùng nhang đã trở thành một nét văn hóa của người Việt Nam từ ngàn đời nay. Bài viết không cổ súy cho việc từ bỏ thắp nhang khi thờ cúng, nhưng sự bày tỏ lòng thành kính không hẳn phải đốt nhiều nhang mới hiệu quả, chỉ cần 1 đến 3 cây là đủ, bởi trong khói nhang có những độc chất gây hại cho sức khỏe.

Khói nhang tiềm tàng chất độc

Nhang (còn gọi là hương) chủ yếu làm từ mùn cưa và chất kết dính. Mùn cưa có thể được lấy từ bất kỳ loại gỗ nào và khó có thể bảo đảm rằng khói sản sinh do đốt mùn cưa không gây độc hại. Còn để tạo mùi thơm, người ta có nhiều cách: sử dụng bột quế, trầm hương, tinh dầu các loại hoa hoặc sử dụng các loại hương liệu tổng hợp không rõ nguồn gốc xuất xứ (đây là cách làm được áp dụng nhiều nhất hiện nay).

Thành phần tạo mùi thơm trong khói nhang là những hợp chất benzene. Theo kết quả nghiên cứu của một nhà khoa học người Đan Mạch, khí butadiene và benzene chiếm từ 2,3 đến 7,84 phần triệu (trong không khí) sau khi đốt nhang hai phút trong phòng kín. Bạn có biết rằng khí butadiene có thể gây ung thư bạch huyết và ung thư máu? Khí benzene có thể làm tổn thương mắt, da, hệ hô hấp, hệ thần kinh trung ương, gan, thận cũng như làm mất điều hòa cơ thể và trầm cảm. Đây là lý do vì sao nhiều người khi ở trong khu vực có mùi khói nhang đậm đặc có thể bị ho, chảy nước mắt hoặc cảm thấy choáng váng, nhức đầu và khó thở. Khi ra nơi không khí trong lành và thoáng đãng, những biểu hiện này tự dưng biến mất và thoải mái trở lại.


Một cây nhang sẽ tạo ra lượng hóa chất gây ung thư tương tự một điếu thuốc lá


BS. M.Leechawengwon

Kết quả nghiên cứu thực hiện tại Singapore từ năm 1993 – 2005 của tiến sĩ Jeppe T. Friborg trên 61.320 người Hoa khỏe mạnh cho thấy: có 325 trường hợp bị ung thư đường hô hấp trên và 821 trường hợp bị ung thư phổi có liên quan chặt chẽ với việc hít khói nhang thường xuyên và lâu dài. Một người đốt nhang hằng ngày trong vòng 40 năm sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư đường hô hấp trên bao gồm ung thư lưỡi, vòm miệng và xoang cao hơn 70% so với người không tiếp xúc với khói nhang. Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi bác sĩ Manoon Leechawengwon ở Thái Lan kéo dài 2 năm với sự tham gia của các nhà tu hành được giao nhiệm vụ dọn những que nhang đang cháy âm ỉ còn đưa ra kết luận: “Một cây nhang sẽ tạo ra lượng hóa chất gây ung thư tương tự một điếu thuốc lá”.


Đối phó với khói nhang

Nếu có dấu hiệu ho, sặc, khó thở... trong những vùng có nhiều khói thì phải ra ngay khỏi khu vực đó để tìm nơi có không khí thở an toàn khác.

Đối với các hộ gia đình, khi thắp nhang phải luôn mở cửa thoáng để khói nhang không bị tụ lại một chỗ.

Người già, trẻ em, người có bệnh về hô hấp nên tránh tiếp xúc với khói nhang.


Cơ chế gây hại

Bác sĩ Nguyễn Hữu Lân, trưởng khoa Bệnh phổi nam C6, PGĐ bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cho biết: Trong khói nhang có chứa những chất có thể gây ung thư như polyaromatic hydrocarbons, carbonyls và benzene. Khi đốt cháy, chất độc sẽ tác động lên bề mặt của đường hô hấp, dẫn đến viêm hô hấp mạn tính, phá hủy các tổ chức cơ thể dẫn đến biến đổi tế bào, biến đổi gien gây ra các hiện tượng dị sản, loạn sản và tăng sinh ác tính. Như vậy, trong khói nhang chứa nhiều hóa chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài.

Đặc biệt, những bệnh nhân mắc các bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (gọi là COPD) càng nên tránh xa khói nhang bởi vì khi hít phải khói nhang, họ có nguy cơ cao xuất hiện các cơn khó thở kịch phát do co thắt đường dẫn khí, dẫn đến suy hô hấp cấp tính và tử vong nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời. Trong những dịp đặc biệt, chỉ nên thắp 1 - 3 que nhang.

BACSI.com (Theo TNO)

Sources: http://tintuc.bacsi.com

Khói nhang độc cho sức khỏe

Nhiều người nghĩ rằng mùi thơm khói nhang không độc, thực tế, bất cứ cái gì sinh ra khói đều độc, từ khói thuốc lá cho đến khói than, khói củi, khói rơm...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Những ngày Tết, gia đình nào cũng thắp nhang cho ông bà, tổ tiên. Điều đáng nói là nhiều người nghĩ rằng mùi thơm khói nhang không độc. Thực tế cho thấy, bất cứ cái gì sinh ra khói đều độc, từ khói thuốc lá cho đến khói than, khói củi, khói rơm...

Nhang nay độc hơn nhang xưa

Thật ra, nhang ngày xưa không độc hoặc ít độc hơn nhang bây giờ, vì người ta sử dụng chủ yếu gỗ hương liệu là gỗ trầm. Bản chất hương liệu này trong đông y có thể sát trùng và tạo sự hưng phấn, không gây hại. Tuy nhiên, ngày nay nhiều người vì muốn kiếm lời nhiều nên đã sử dụng các hoá chất rẻ tiền để tạo hương, khiến cho chất lượng nhang kém đi.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học ở đại học quốc gia Cheng Kung (Đài Loan) cho biết, một cây nhang trung bình chứa 35% hương liệu thơm, 21% dược liệu và bột gỗ, 11% bột dính, 33% thanh tre. Với nhang sản xuất ở Việt Nam, thành phần này có thể khác. Điều đáng tiếc là hiện chưa có nghiên cứu nào tương tự.

Giống như khói thuốc lá, khói nhang cũng ẩn chứa nhiều hoá chất như: benzene, toluene, xylenes, aldehydes và polycyclic aromatic hydrocarbons. Đây là những chất rất độc hại với con người khi hít phải lượng nhiều, chẳng hạn như benzene làm tổn thương tuỷ xương, biến dạng hình thể máu… dẫn tới ung thư máu. Hít hơi benzene với nồng độ 65g/m3 trong 30 phút có thể gây tử vong.

Hít hơi benzene với nồng độ 2,3g/m3 trong từ 30 - 60 phút sẽ gây bất tỉnh. Hay như với chất toluene, nếu tiếp xúc thường xuyên qua đường hô hấp sẽ gây nên các biểu hiện tổn thương chủ yếu của hệ thần kinh TƯ như nhức đầu, nôn mửa, buồn ngủ, loạng choạng, cùng những biểu hiện như say rượu. Trường hợp nặng có thể mất ý thức và tử vong. Tương tự, chất xylenes gây nhức đầu, cơ bắp ít hoạt động, rối loạn và thay đổi cảm giác cân bằng, dị ứng da, mắt, mũi, cổ họng; chất aldehydes gây chóng mặt, buồn nôn, rối loạn nội tiết và chất polycyclic aromatic hydrocarbons có thể gây ung thư, quái thai...

Để đốt nhang được an toàn

Trong chúng ta, khó ai có thể diễn tả hết sự xúc động khi vào khoảnh khắc giao hoà trời đất giữa năm mới và năm cũ, cả gia đình quây quần, thắp lên bàn thờ một vài nén nhang thơm rồi tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, những người thân yêu đã khuất. Sự lẩn khuất của làn khói trắng, mùi thơm nhẹ lan toả sẽ làm cho ta thấy ấm cúng và gắn bó với nhau hơn.

Ngày tết đi chùa lễ Phật, chúng ta cũng hay bắt gặp nhiều người tay cầm nhang, miệng lâm râm khấn vái cầu mong một năm mới tốt lành, gia đạo bình an. Đây là nét văn hoá tồn tại từ rất lâu, đem lại cho người ta một sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn. Do đó, không thể vì những nguy cơ khói nhang mà từ bỏ việc đốt nhang, điều quan trọng vẫn là biết cách phòng ngừa. Một vài lưu ý để sử dụng nhang an toàn:

Mở thoáng cửa khi đốt nhang: tại các chùa, trong một số nghi lễ, hàng ngàn que nhang thường được đồng loạt đốt lên; hoặc nhiều gia đình khi thắp nhang hay đóng kín cửa khiến khói nhang bị tụ lại một chỗ. Như thế rất không nên. Thay vào đó cần mở cửa thoáng để khói nhang loãng ra. Không nên để nơi đốt nhang gần nơi có người đang ngủ, nằm nghỉ.

Chọn nhang có thời gian cháy ngắn: cháy trong vòng một phút hoặc ít hơn là tốt nhất. Chọn mua nhang của cơ sở sản xuất có thương hiệu. Dập tắt nhang sau khi sử dụng, không nên để cháy đến tàn.

Tránh mua nhang có mùi thơm quá dày: nhang càng thơm, nguy cơ ngộ độc càng cao. Trong những dịp đặc biệt, chỉ nên thắp từ một đến ba cây nhang/ngày.

ThS.BS Võ Thị Thu
Theo Sài Gòn tiếp thị

0 comments:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More