Trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng phổ biến, việc trang bị những kỹ năng tự bảo vệ cho các em là vô cùng bức thiết.
“Điều gì cũng có thể xảy ra !”
Một thực tế không thể phủ nhận, không ít các vụ hiếp dâm trẻ em xảy ra có liên quan đến chính những người thân trong gia đình hoặc họ hàng, lối xóm, những người có mối quan hệ gần gũi với đứa trẻ.
Bà Nguyễn Kim Thiện, Chủ nhiệm mái ấm Hoa Hồng Nhỏ, TP.HCM, cảnh báo: “Tôi thấy có những bà mẹ chủ quan, không mảy may bận tâm khi để con gái đã lớn ngủ chung với cha, em gái ngủ cùng anh trai... Tất nhiên, có nhiều người luôn giữ được sự trong sáng của mối quan hệ ruột rà đó. Nhưng trong cuộc sống, điều gì cũng có thể xảy ra”. Bà Thiện phân tích: “Khi có khoảng không gian riêng biệt, yên tĩnh và thân thiết giữa hai người khác giới, đặc biệt là khi người đàn ông uống rượu say, khó kiểm soát bản thân thì có thể dẫn đến những điều tệ hại, bất kể mối quan hệ giữa họ là ai”. Theo bà Thiện, cho dù có bộn bề lo toan chuyện mưu sinh đi chăng nữa, cha mẹ - nhất là người mẹ cũng nên dành thời gian “làm bạn” với con, giải đáp những băn khoăn tâm tư của con cái.
Trẻ có nguy cơ bị xâm hại được can thiệp, học nghề, học chữ tại một mái ấm ở TP.HCM - Ảnh: Như Lịch |
Trong quá trình tham gia dự án “Phòng chống, can thiệp cho trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ và bị xâm hại” do Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM và Tổ chức Dynamo International phối hợp thực hiện, bà Lê Thị Ngọc Thơ, điều phối viên Dự án Phù Sa (thuộc Phòng LĐ-TB-XH TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: Chỉ tính riêng TP.Cao Lãnh, trong hai năm 2011 - 2012, các nhân viên dự án trên đã khảo sát, phát hiện 24 trường hợp (20 trẻ gái, 4 trẻ nam) có nguy cơ cao bị xâm hại và bạo hành. Bà Ngọc Thơ chua chát nói: “Tuy đã có một số trường hợp đau lòng xảy ra ngay tại địa phương mình, nhưng nhiều người dân vẫn quá chủ quan về vấn đề trẻ bị xâm hại. Họ bảo rằng, con nhỏ kia nó xui tận mạng mới bị hãm hiếp, còn con tui không bao giờ bị như vậy đâu!”.
Bà Thơ cho hay, nhiều gia đình thản nhiên bỏ con ở nhà một mình hoặc vô tư gửi cho hàng xóm. Có những trường hợp trẻ gái đã 14 - 15 tuổi thường xuyên ngủ chung với cha mà cha đang trong tình trạng cô đơn (vợ ly dị, bỏ nhà ra đi hoặc chết), lại say xỉn tối ngày. Một số người cha rủ bạn về nhậu say, rồi để mặc khách ngủ lại đêm ngay bên cạnh chõng tre của con gái mình... Bà Ngọc Thơ kể: “Khi được hỏi về chuyện dạy cho con em mình cách phòng chống xâm hại, hầu hết phụ huynh đều trả lời rằng, bản thân họ hồi đó đến giờ chưa từng được ai dạy về chuyện này, kể cả cha mẹ họ. Cho nên, họ không biết làm sao để dạy lại cho con. Vả lại, nhiều người cũng ỉ i vấn đề này đã có nhà trường dạy cho con họ”. Vì vậy, bên cạnh việc can thiệp, hỗ trợ cho những trẻ có nguy cơ, những nhân viên Dự án Phù Sa còn phối hợp với địa phương tổ chức những buổi tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ con em cho phụ huynh.
Theo thạc sĩ - chuyên viên tư vấn Hà Trung Thành, giảng viên Trường Cán bộ TP.HCM, việc giáo dục giới tính hiện nay không chỉ dành riêng cho trẻ em mà nên cho cả những bậc phụ huynh, nhằm tránh những trường hợp ngộ nhận đáng tiếc xảy ra. Chẳng hạn, người cha rất yêu con gái mình nhưng con đã lớn rồi, nên không thể lúc nào cũng ôm vào lòng. Hoặc, người mẹ cứ ôm ấp đứa con trai đã 13 - 14 tuổi, dúi đầu vào ngực thì cũng không được... “Nên giữ khoảng cách nhất định khi con mình đã lớn. Sự yêu thương của cha mẹ dành cho con không có nghĩa lúc nào cũng cần va chạm thể xác. Thay vào đó là rất nhiều cách, như một câu nói, một ánh mắt, một sự giúp đỡ, một lời khuyên khi con mình gặp thất bại; những giọt nước mắt hạnh phúc khi con mình thành công”, thạc sĩ Hà Trung Thành chia sẻ.
Dạy trẻ biết tự bảo vệ
Chị Trương Thị Hồng Tâm (tác giả cuốn hồi ký Tâm “si đa” vượt lên cái chết) thẳng thắn bộc bạch rằng, từ nhỏ, chị cũng là một nạn nhân của nạn xâm hại tình dục. Từ chuyện đau lòng của bản thân, chị Hồng Tâm đúc kết: “Quan trọng nhất là người mẹ phải biết dạy con mình cách tự bảo vệ. Bất kể người lạ hay người thân nào mà cứ hôn hít hoặc nhìn chằm chằm vào những chỗ nhạy cảm trên cơ thể thì phải cảnh giác và báo cho mẹ biết ngay”.
Bà Phan Thanh Minh, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nhìn nhận: “Lâu nay, việc tập huấn những kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ chưa đến nơi đến chốn. Theo tôi, nên đưa việc tập huấn này vào hệ thống trường học, bắt đầu từ bậc mẫu giáo. Phải xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em tại khu phố, nhà trường, gia đình và ngay chính bản thân các em”. Bà Thanh Minh cho rằng, người lớn cần hướng dẫn cho trẻ cách nhận diện những hành vi, dấu hiệu xâm hại. “Với những em nhỏ, nếu chỉ nói suông thì các em sẽ không hiểu. Do đó, cần thông qua những hình ảnh sinh động hay trò chơi vẽ tranh, tô màu. Chẳng hạn, những bộ phận nào trên cơ thể có thể sờ được thì tô màu xanh, còn những bộ phận không cho ai sờ vào thì tô màu đỏ”, bà Minh nêu kinh nghiệm.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, bà Lê Thị Xuân Lang, phụ trách Tổ tư vấn pháp luật Cơ quan thường trực phía nam của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam lưu ý, các bậc cha mẹ nên hướng dẫn trẻ không ăn mặc quá gợi cảm trước mặt người khác giới, thậm chí ngay khi đang ở trong nhà mình. Theo bà Xuân Lang, việc giáo dục giới tính cho trẻ rất cần có kỹ năng, hiểu biết để trẻ không mắc cỡ, không suy diễn những điều “bậy bạ”. Đặc biệt, phải làm sao giáo dục con em mình vừa biết cách tự bảo vệ bản thân nhưng đồng thời vẫn giữ được sự hồn nhiên, tôn trọng người khác, không rơi vào tình cảnh “nhìn đâu cũng thấy kẻ xấu”.
Đề cập thực trạng không ít vụ hiếp dâm trẻ em bị “chìm xuồng”, bà Xuân Lang nhận xét: Khi vụ việc xảy ra, trẻ thường chậm thông báo với gia đình. Đến khi trẻ chịu thổ lộ sự việc, nhiều gia đình lại phớt lờ, cho đó là những lời đùa nghịch. Mặt khác, khi phát hiện sự thật, nhiều người mẹ có tâm lý sợ hãi, xấu hổ nên vội vàng tắm rửa, giặt giũ áo quần cho con và không đi trình báo… Chính những lý do như vậy khiến chứng cớ dễ bị mất. “Tôi thấy người ta mở ra rất nhiều cuộc hội thảo nhưng việc phát hiện các vụ xâm hại trẻ em rất ít. Đa số là do các phóng viên báo chí phát hiện và lên tiếng”, bà Lang tỏ ra bức xúc. Cũng theo bà Lang, theo luật định, trẻ em có quyền được cha mẹ lắng nghe và phát biểu ý kiến. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cái quyền này của trẻ ít được coi trọng. Vì vậy, khi bị xâm hại, các em thường không dám bày tỏ cho người lớn biết hoặc nếu có thì khá trễ...
Đưa kỹ năng phòng, ngừa xâm hại tình dục vào trường học
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, qua theo dõi, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Nạn nhân bị xâm hại tình dục có độ tuổi ngày càng nhỏ, trong khi người có hành vi xâm hại chính là cha đẻ, bố dượng, người cao tuổi, hàng xóm láng giềng… cho thấy sự xuống cấp nghiêm trọng trong chuẩn mực đạo đức, gây ra sự bức xúc trong xã hội.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, năm 2012 trên cả nước có 983 trẻ em bị xâm hại tình dục và có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Có nhiều nguyên nhân lý giải về tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục đang ngày càng gia tăng, với mức độ ngày càng nghiêm trọng như ảnh hưởng từ phim ảnh đồi trụy, từ chất kích thích, gây nghiện. Nhưng còn một nguyên nhân còn ít được nhắc tới đó là sự buông lỏng quản lý và giáo dục từ gia đình. Bản thân cha mẹ mải mê công việc, thiếu kỹ năng giáo dục, bảo vệ con; sự tư vấn trong nhà trường chưa đầy đủ khiến trẻ em nằm trong nhóm nguy cơ cao bị xâm hại tình dục nên khi đã xảy ra trẻ không biết cách nhận biết và phòng ngừa.
Cũng theo ông An, trên toàn quốc hiện có khoảng 40.000 cộng tác viên trong mạng lưới phát hiện sớm, phòng ngừa tình trạng xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục tại địa bàn dân cư và đội ngũ này hoạt động hiệu quả. “Trong trường hợp phát hiện trẻ em bị xâm hại nói chung và xâm hại tình dục nói riêng, cần sự vào cuộc từ cơ quan chức năng, sự hỗ trợ tư vấn của đội ngũ chuyên gia có thể gọi điện cung cấp thông tin cho tổng đài phím số kỳ diệu 1800 1567 để có sự trợ giúp kịp thời từ Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em”, ông An nói.
P.Hậu
|
0 comments:
Post a Comment