Friday, April 05, 2013

Gửi đồng nghiệp đưa tin vụ ông Vươn

Nhà báo Võ Văn Tạo, cựu Hội thẩm nhân dân – Tòa án TP Nha Trang
 Vụ án oan khốc xử anh em ông Đoàn Văn Vươn đang làm rỉ máu nhiều trái tim nhân hậu. Là các phóng viên tác nghiệp ở phiên tòa, hoặc các biên tập viên ở tòa soạn, nên chăng các bạn cần thận trọng cân nhắc khi dùng câu, chữ trong khi soạn bản tin, bài viết.
Chắc hẳn, để được vào quan sát phiên tòa qua màn hình ti vi, các bạn phóng viên cũng phải qua thủ tục nhiêu khê, nhẫn nhục chịu đựng thái độ thiếu tôn trọng và thiếu văn hóa với báo giới – đại diện cho quyền cơ bản – được thông tin -  của công chúng. Các bạn đã tận mắt ghi nhận sự thật trớ trêu: xét xử công khai, nhưng một rừng công an, an ninh chìm nổi… với mọi thủ đoạn tệ lậu bất minh ngăn cản công chúng và báo chí dự khán. Một cách ngang nhiên và trắng trợn, người ta đang tự cho cái quyền ngồi xổm trên pháp luật, bất chấp lương tri.
Từ buổi sáng oan nghiệt 5-1-2012 ở Đầm Cống Rộc (Quang Vinh, Tiên Lãng), hẳn các bạn, trực tiếp tác nghiệp, hoặc qua công luận, cũng biết rõ đầu đuôi, căn nguyên vụ việc: anh em họ Đoàn không chủ động tấn công hoặc cướp phá của ai, họ chỉ bất đắc dĩ phòng thủ trước âm mưu của quan chức địa phương muốn ăn cướp thành quả lao động kiên cường của họ. Ông Đoàn Văn Vươn có nhân thân rất tốt, từng đi bộ đội, trở về học đại học, phải vật lộn chiến thắng triều cường, bão biển, trả giá bằng sinh mạng con cháu, để tạo nên một đầm tôm hứa hẹn, lại còn đang mắc nợ ngân hàng bạc tỷ… Ông cũng từng ngộ nhận có công lý nơi tòa án… 
Các bạn cũng biết, ngay sau khi xảy ra vụ cưỡng chế, báo chí bị làm khó thế nào khi tác nghiệp; các phát ngôn bất nhất, vu khống nhân dân, đổ lỗi chối tội của không ít quan chức Hải Phòng và Tiên Lãng; các nhận định, đánh giá công minh và tâm huyết của nhiều lão thành cách mạng, nhiều chuyên gia pháp lý danh tiếng; kết luận Hải Phòng sai phạm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng… không ít trong số các bạn cũng biết đến vụ án nổi tiếng và có hậu Đồng Nọc Nạn thời Pháp thuộc. Không ít trong các bạn cũng suy tư, phải chi những người có trách nhiệm ở các cấp chịu khó động não, để có phương án giải quyết khôn ngoan hơn, nhân hậu hơn, tháo gỡ nguy cơ tiềm ẩn những vụ việc đáng tiếc tương tự…
Đúng – sai, đâu là công lý? Hẳn các bạn không khó để nhận định. Các bạn cũng biết, nếu không có phát súng hoa cải, báo chí không lên tiếng rầm rộ, hẳn gia đình ông Vươn giờ đây trắng tay, nợ nần chồng chất và có thể cả nhà phải nhảy xuống biển tự vẫn.
Sinh thời, nhà cách mạng lão thành – nhà văn – nhà báo danh tiếng Trần Bạch Đằng từng bộc bạch nhân một dịp 21-6. Ông tự hào là nhà báo trẻ (khi đó ông vừa mới được cấp thẻ nhà báo), vì hiện nay người dân có việc oan ức… không tìm đến chính quyền, cấp ủy đảng hoặc công an, tòa án… mà tìm đến báo chí. Báo chí là chỗ dựa, là niềm tin duy nhất và cuối cùng của họ.
Là những người làm báo, không ít người trong các bạn vẫn day dứt, suy tư về hiện tình đất nước, biết rõ những bất cập về luật pháp nói chung và luật đất đai nói riêng… hiểu rõ thân phận, tình cảnh người dân thấp cổ bé họng trong xã hội đang suy thoái đảo điên mọi giá trị. 
Vậy mà…! 
Tôi đã đọc hầu hết tin, bài trên các báo phản ánh phiên tòa xử anh em ông Vươn trong mấy ngày qua. Xin cảm ơn nhiều bạn đã cân nhắc và thận trọng trong cách dùng câu, chữ, thể hiện lương tri sáng suốt và tấm lòng nhân hậu, luôn tìm cách bênh vực người dân yếu thế bị hà hiếp. Nhưng cũng có một số bạn, có lẽ do vô tình, hoặc bị sức ép “tế nhị” nào đó, đã gọi trống không ông Đoàn Văn Vươn đáng thương của chúng ta là “Vươn”, hoặc “Đoàn Văn Vươn”.
Gần 10 năm ngồi ghế hội thẩm nhân dân, nhiều lần tôi  rất khó chịu khi nghe một số thẩm phán, hội thẩm nhân dân thẩm vấn các bị cáo một cách trống không, cộc lốc, miệt thị, quát tháo… Gặp những tình huống như thế, tôi tìm cách nhẹ nhàng nhắc nhở: dù là kẻ tội phạm thật sự, cũng cần tôn trọng nhân phẩm của họ. Ngành tòa án cũng đã có thông tri, yêu cầu không dùng những từ “y”, “thị” đối với các bị cáo. Đó là cách tốt nhất để cảm hóa lương tâm, thực hiện chức năng giáo dục của xét xử. Khi thẩm vấn bị cáo, tùy  tuổi tác, nên hỏi: “Xin (đề nghị) ông (bà, anh, chị) cho hội đồng xét xử biết…”. Bị cáo trả lời xong, ta phải cảm ơn. Đó là biểu hiện tối thiểu của người có văn hóa. 
Mấy lời tâm huyết và xây dựng cùng các bạn phóng viên, biên tập viên – những đồng nghiệp cao quý và tử tế của tôi. Rất mong những bạn nào trót sơ suất, vô tình… từ nay cẩn trọng, cân nhắc từng câu, từng chữ. Đó cũng là cách để các bạn giúp tờ báo của mình chiếm thêm cảm tình nơi bạn đọc và công chúng có lương tri. 
V.V.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Nguồn boxitvn.net

0 comments:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More