Thursday, April 04, 2013

Phẫn uất, niềm tin và sợ hãi


Kể từ thời điểm xảy ra sự kiện Tiên Lãng cho đến ngày 02-4-2013, thời điểm mà Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án anh em nhà Đoàn Văn Vươn – vụ án được dư luận trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm – nổi bật lên ba vấn đề quan trọng nhất của sự kiện mang ý nghĩa quật khởi này: PHẪN UẤT, NIỀM TIN VÀ SỢ HÃI.

PHẪN UẤT TỘT CÙNG
Thành ngữ Việt Nam có câu “Con giun xéo lắm phải quằn” để chỉ việc ai đó dù hiền lành, cam chịu nhưng sẽ nảy sinh sự phản kháng nếu bị giẫm đạp và đè nén quá nhiều. Và thành ngữ Việt Nam còn có thêm câu “Tức nước vỡ bờ” để chỉ việc con người sẽ bùng lên quật khởi khi bị áp bức quá độ. Anh Đoàn Văn Vươn và những người anh em của anh, những người vợ chịu thương chịu khó của họ chính là điển hình của hàng chục triệu  “con giun” đang ngày đêm bị chính quyền giày xéo. Không thể mãi chịu đựng, những con giun đã buộc “phải quằn”, những bờ đê có thói quen chịu đựng đã buộc phải vỡ trước sự “tức nước”. Anh Vươn và người thân thể hiện sự “quằn”, “vỡ bờ” bằng cách trang bị cho mình vài khẩu súng hoa cải, một bình gas được cài thêm kíp nổ, và một vài lớp hàng rào thưa thớt. Tất cả trang thiết bị ấy chỉ là sự thể hiện phẫn uất, sự phản kháng trước những quyết định phi nhân văn của chính quyền hơn là sự thể hiện hành động chống người thi hành công vụ, thể hiện ý đồ giết người có chủ đích. Các trang thiết bị thô sơ và ít ỏi đó quá yếu ớt và mong manh trước hàng trăm quân nhân, công an được trang bị đầy đủ và được tổ chức chu đáo.
Sự phẫn uất tột cùng của anh Đoàn Văn Vươn và những người anh em ruột thịt chính là sự tiếp nối nổi bật của những hằng số phẫn uất kéo dài từ năm này qua năm khác, trải dài từ địa phương này sang địa phương khác: sự kiện Quỳnh Lưu – Nghệ An năm 1992, Thái Bình năm 1995, Đắk Lắk năm 2006, Tiền Giang năm 2009, EcoPark năm 2010, Dương Nội năm 2011 và 2012-2013, vân vân và vân vân… Và trong tương lai, sự phẫn uất này có thể bùng phát dữ dội hơn khi ngọn lửa Đoàn Văn Vươn đã trở thành một biểu tượng của phẫn uất và phản kháng. 
NIỀM TIN
Những hành động mang tính biểu tượng của anh Đoàn Văn Vươn và những người anh em ruột thịt của anh đã gieo vào hàng triệu con tim Việt những niềm tin tươi sáng vào một ngày mai tươi đẹp hơn. Niềm tin ấy được vợ anh Đoàn Văn Vươn thể hiện một cách mộc mạc mà sâu sắc: “Gia đình chúng tôi sẵn sàng chịu thiệt để cuộc sống công bằng và tốt đẹp hơn”. Niềm tin ấy được thể hiện qua việc hàng ngàn người khắp nơi trên đất nước tìm mọi cách để đến được Hải Phòng trong những ngày xử án nhằm tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho anh em nhà Đoàn Văn Vươn. Niềm tin ấy được thể hiện bằng tuyên ngôn cháy bỏng CÔNG LÝ CHO ĐOÀN VĂN VƯƠN được phát đi từ những nhiệt huyết chỉ mới 20 tuổi. Niềm tin ấy được thể hiện bằng “những con chữ biểu tình” (tựa một bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo xuất hiện trong những ngày gần đây) tràn ngập trên các mạng truyền thông xã hội, trên các mạng xã hội như Twitter, Facebook đòi các nhà chức trách Việt Nam trả tự do cho anh em nhà Đoàn Văn Vươn, vạch rõ các sai trái về chính sách đất đai của Việt Nam. Niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn còn được thể hiện qua các câu khẩu hiệu được bà con nông dân ở Dương Nội, EcoPark dương lên: “Đoàn Văn Vươn vĩ đại”, “Tinh thần Đoàn Văn Vươn bất diệt”, “Hãy học tập tinh thần chiến đấu của Đoàn Văn Vươn”… Niềm tin ấy còn được tiếp sức bởi những nhiệt huyết tự do và dân chủ từ khắp nơi. 
SỢ HÃI TỘT CÙNG
Khi một chính thể sợ hãi, chính thể ấy sẽ thể hiện sức mạnh bạo lực, phẩm chất đàn áp bằng cách tung ra những lực lượng chính qui đông đảo. Trong ngày đầu tiên xét xử sơ thẩm vụ án Đoàn Văn Vươn, chính thể Việt Nam mà đại diện là chính quyền thành phố Hải Phòng đã tung ra rất đông những lực lượng cảnh sát nổi và chìm, dùng các thủ đoạn  để chia cắt và cô lập những người ủng hộ anh Vươn, phá sóng điện thoại di động và internet để ngăn chặn thông tin xét xử, không cho các phóng viên quốc tế trực tiếp vào phòng xử án hòng ngăn chặn một làn sóng thông tin toàn cầu. Chính quyền Việt Nam và nhà cầm quyền ở Hải Phòng đã quên đi một điều rất cơ bản rằng, con đường ngắn nhất để đi đến diệt vong là đàn áp nhân dân và bịt miệng báo chí. 
Vụ án Đoàn Văn Vươn được đưa ra xét xử, thông tin này làm tôi nhớ tới bài thơ Tự bạch Chí Phèo của nhà thơ Tùng Bách, trong đó có đoạn: “Nhân dân không là tớ – Nhưng tớ là nhân dân – Tớ là nhân dân của làng Vũ Đại – Đểu với đây thì đây đểu lại – Tưởng đây sợ chết lắm à?“. Trong vụ Đoàn Văn Vươn, rõ ràng anh Vươn đã vô tình trở thành Chí Phèo để chống lại chính quyền là Bá Kiến.
Anh Vươn có thể đã phạm tội. Nhưng sự phạm tội của anh bắt nguồn từ từ những chính sách lạc hậu và sai trái của luật pháp Việt Nam và người thừa hành luật pháp ấy. Đó là bi kịch của anh Vươn nói riêng và cũng là bi kịch của hàng triệu người Việt Nam nói chung. Vụ án Đoàn Văn Vươn đã thức tỉnh nhân dân Việt Nam nhưng liệu có thức tỉnh được những não trạng đang nắm trong tay quyền lực? Có lẽ nào nhà cầm quyền mãi diễn những hài kịch nhạt thếch trong lúc nhân dân buộc phải đón nhận những bi kịch cay đắng nhất?
Nếu chính quyền Việt Nam nhận ra muôn vàn sự sai trái trong vụ án anh Vươn thì chính quyền hãy thể hiện sự cầu tiến và khoan dung bằng cách giành cho anh Vươn bản án nhẹ nhất!
T.D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Nguồn Bauxitvn

0 comments:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More