Wednesday, February 23, 2011

Nỗi khổ nuôi con thời hiện đại




Phụ nữ thời hiện đại thường hay đau đầu với quỹ thời gian ít ỏi của mình. Vừa phải đảm đương việc công ty, vừa phải chu toàn việc nhà và đặc biệt vẫn phải chăm sóc con. Con phải được nuôi dưỡng tốt cả về thể chất lẫn tinh thần.

Đây là một thách thức cho các bà mẹ. Tuy nhiên, nếu khéo tận dụng những phương tiện hiện đại, các bà mẹ sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc nấu nướng, chế biến thức ăn và nhờ đó có thêm những phút giây thư giãn, chơi cùng con hay dạy con học.

Đông lạnh, tại sao không?

Nếu thực hiện đúng cách, bạn sẽ vẫn đảm bảo được dinh dưỡng cho bữa ăn của con bạn trong khoảng thời gian tối thiểu bằng cách đông lạnh thức ăn. Các nhà khoa học đã khẳng định rằng, thực phẩm bảo quản theo cách đông lạnh không bị mất chất đáng kể so với việc bảo quản thường hoặc để tủ lạnh ở ngăn mát, không đông lạnh.

Ưu điểm của phương pháp này quả thực vượt trội so với nhược điểm của nó. Trước hết, khi bảo quản đông, vi khuẩn sẽ ít có cơ hội phát triển, thức ăn của bạn tránh được rất nhiều nguy cơ nhiễm độc. Nếu để ở ngăn lạnh thường, các vi khuẩn yếm khí và nấm mốc vẫn sinh sôi nảy nở và thức ăn của bạn sẽ bị biến chất, gây nhiễm độc.

Và đây mới là lý do chủ yếu để các bà mẹ chọn phương pháp làm đông thức ăn, đó là bạn có thể tiết kiệm thời gian tối đa, phân bổ hợp lý thời gian chuẩn bị và chế biến mà vẫn thay đổi được thực đơn cho bé liên tục. Bạn chỉ cần một buổi sáng thứ bảy hoặc chủ nhật, đi chợ và chế biến toàn bộ thức ăn, đem đông lạnh. Sau đó mỗi bữa, bạn chỉ mất từ 1 đến 5 phút để nấu ăn cho bé. Bé sẽ có một thực đơn riêng, phong phú và phù hợp, thay vì phải ăn chung cùng với gia đình hay chờ đợi mẹ nấu ăn lích kích lâu lắc.

Chuẩn bị thế nào?

Khẩu phần của bé thường không nhiều. Thế nên nếu bạn nấu cho bé vừa ăn một bữa thì chỉ bõ… dính nồi! Còn nếu nấu nhiều rồi cho bé ăn cả ngày thì bé có thể chán, hơn nữa thức ăn luôn được khuyến cáo không để quá 1 - 3 tiếng ở nhiệt độ phòng và cũng chỉ từ 3 - 6 tiếng khi để trong tủ lạnh. Vậy sao bạn không đi chợ cho cả 1 tuần rồi về chế biến, chia nhỏ thức ăn ra để mỗi lần nấu cho bé chỉ cần rã đông 1 phần là bé có một bữa ăn nóng sốt?

Sau khi đi chợ về, bạn phân loại thức ăn và có thể sơ chế theo phương thức sau:
- Thịt lợn/bò/gà: Rửa sạch, băm nhỏ, cho vào từng ô của khay đá.
- Tôm: Bóc vỏ, bỏ chỉ đen, băm nhỏ, cho vào khay đá.
- Cá/lươn: Lóc lấy phi-lê, băm nhỏ, cho vào khay đá.
- Cua: Luộc chín, rỉa thịt, cho vào khay đá.
- Rau: Nhặt rửa sạch, băm nhỏ, cho vào khay đá.
- Củ quả: Rửa sạch, gọt vỏ, thái hạt lựu, cho vào khay đá. Có thể thêm ít nước để dễ tạo liên kết.
- Bột hoặc cháo: Nấu chín nhừ, cho vào lọ thủy tinh miệng rộng có nắp đậy, vừa với khẩu phần mỗi bữa một lọ.

Khi làm xong, bạn dùng nilon bọc kín khay đá lại rồi cho vào tủ đông. Nếu làm nhiều, bạn có thể để đông xong gỡ từng viên ra, cho mỗi loại vào một túi ziploc (túi nilon có khóa kéo) để tiết kiệm chỗ trong tủ lạnh.

Khi đến bữa cần nấu cho bé, bạn lấy ra 1 viên rau củ, 1 viên thịt cá, 1 lọ bột cháo… và rã đông. Nấu sôi bột/cháo, khuấy từng viên rau thịt vào. Tất cả chỉ mất chừng 5 phút, bé đã có món ăn khoái khẩu.

Bạn có thể tùy ý kết hợp các loại rau củ thịt cá để cho ra những thực đơn phong phú. Như vậy mỗi tuần, bạn chỉ cần khoảng 3 - 5 loại thịt cá, từng ấy loại rau củ là bạn có thể cho bé mỗi bữa mỗi món khác nhau trong suốt cả tuần rồi!

Nguyên tắc vệ sinh và an toàn thực phẩm

Cách làm cơ bản là như thế. Nhưng thực hiện thế nào cho đúng cách để thực phẩm vẫn giữ được chất dinh dưỡng và lại an toàn cho bé? Bạn có thể nấu chín trước hoặc giữ nguyên trạng thái tươi sống rồi đem cấp đông, tùy ý bạn. Nhưng cần tuân theo các nguyên tắc sau: - Rửa tay sạch trước khi chế biến món ăn. Rửa sạch dao, thớt mỗi khi chế biến xong một món, tránh lây nhiễm vi khuẩn từ món này sang món kia.

-Chế biến thức ăn chín trước, thức ăn sống sau. Dùng riêng dao thớt. Nếu đang làm món chín mà phải quay qua chế biến món sống thì rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi làm.

- Khay đá chỉ dành riêng để đựng thức ăn. Không dùng lẫn vào việc khác như làm đá, đổ rau câu…

- Canh kích thước mỗi ô trên khay đá vừa với lượng thức ăn bé cần dùng trong một bữa. Thức ăn khi đã lấy ra rã đông phải dùng cho hết hoặc thải bỏ, không cấp đông lại.

- Trên mỗi túi ziploc hoặc khay đá, cần ghi chú tên món ăn, ngày chế biến để tránh nhầm lẫn về sau.

- Không để thức ăn chuyển độ đột ngột. Cần rã đông trước, không bỏ cả viên đông lạnh vào nồi nước đang sôi. Ngược lại, thức ăn nếu đã sơ chế qua bếp lửa thì phải ngâm nước lạnh để làm nguội nhanh và phải nguội hoàn toàn mới cho vào tủ đông.

- Không rã đông tự nhiên ở nhiệt độ phòng. Có thể rã đông bằng lò vi ba, hoặc lấy xuống để ở ngăn mát trước rồi lấy ra, hoặc ngâm cách ly trong nước ấm.

Việt Báo(Theo Món Ngon Việt Nam)

0 comments:

Post a Comment

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More